Với niềm đam mê dược liệu từ nhỏ nên khi tốt nghiệp THPT, chị Đoàn Thị Hồng Thắm (43 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã thi vào một trường đại học y dược ở TP Hồ Chí Minh và đi theo con đường nghiên cứu chuyên sâu về dược. Ra trường, chị vào làm cho một công ty dược có tiếng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rồi làm giám đốc của vùng.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm và sản phẩm dược trà khai thác tính dược từ nông sản – Ảnh: Việt Hà
Quá trình làm việc, nghiên cứu, chị Thắm nhận thấy giá trị dược liệu từ những loại nông sản dùng trong bữa ăn hằng ngày như: Tía tô, diếp cá, gừng,… còn rất lớn và tốt cho sức khỏe nhưng chưa được nhiều người khai thác tiềm năng đó.
“Người dân ai ai cũng biết tía tô trị cảm, diếp cá trị bệnh trĩ,… nhưng không ai biết phải ăn làm sao, liều lượng như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất. Đa số họ chỉ dùng thô bằng cách ăn sống hoặc giã lấy nước uống. Nhưng chỉ dùng lúc còn tươi, khi chúng héo úa thì bỏ đi rất lãng phí. Thấy vậy, tôi đã nghiên cứu, bào chế ra loại trà chiết xuất từ các loại rau đó có thể hòa tan hoàn toàn để người dùng tiện sử dụng và đạt được hiệu quả sức khỏe mong muốn” – chị Thắm chia sẻ.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm tại xưởng sản xuất – Ảnh: Việt Hà
Không như các bạn trẻ, chị Thắm khởi nghiệp khi đã ở tuổi tứ tuần. Với quyết tâm, mở ra hướng đi mới cho ngành dược từ chính lợi thế của địa phương và từng bước giúp người nông dân hướng tới canh tác nông sản sạch, có đầu ra ổn định. Sau 10 năm ấp ủ, nữ dược sĩ đã mạnh dạn từ bỏ công việc có mức lương “khủng” để dấn thân trên con đường riêng của mình.
Các sản phẩm dược trà từ nông sản – Ảnh: Việt Hà
Thành công nào cũng trải qua nhiều chông gai. Chị Thắm cho biết, ban đầu ai khởi nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn và đầu ra. Do đó, thưở sơ khai, chị chỉ dám đầu tư máy móc cho công đoạn cần thiết nhất, các khâu còn lại đều làm thủ công nên năng suất rất thấp.
Trà gừng chanh sả phòng ngừa cảm cúm, giảm đau đầu, tăng cường miễn dịch,…- Ảnh: Việt Hà
“Trà túi lọc thì người ta đã làm nhiều rồi nhưng túi lọc thì vẫn phát sinh rác sau khi sử dụng; đồng thời, nhiều loại có vị khó uống khiến người ta muốn dùng nhưng ái ngại. Mình đi sau nên tôi đã nghiên cứu loại trà có vị dễ uống và đặc biệt là có thể hòa tan luôn, hướng tới sự tiện lợi nhất cho người tiêu dùng” – nữ dược sĩ giãi bày.
Trà hoa cúc giúp thanh nhiệt, trị đau đầu kinh niên,…; trà Sencha gạo lứt giúp kích thích tiêu hoá, giảm stress,…; trà lạc tiên tâm sen giúp an thần, hạ huyết áp,…- Ảnh: Việt Hà
Cứ thế, suốt hơn 2 năm đầu khởi nghiệp, chị Thắm đã cho ra thị trường 11 loại dược trà hòa tan chiết xuất từ các loại nông sản quen thuộc như: Trà rau diếp cá chữa táo bón, trĩ điều trị sỏi thận,…; trà hoa cúc giúp thanh nhiệt, trị đau đầu kinh niên, giảm huyết áp, suy nhược thần kinh; trà gừng chanh sả phòng ngừa cảm cúm, giảm đau đầu, tăng cường miễn dịch; trà cà gai leo giúp cải thiện các triệu chứng viêm gan B, hạ men gan, giải rượu;…
Để có nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất trà, chị Thắm đã liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân tại địa phương, tạo đầu ra ổn định lâu dài cho nông sản của họ và từng bước hình thành vùng nguyên liệu sạch, an toàn cho thương hiệu dược trà.
Dự án của chị Đoàn Thị Hồng Thắm đạt giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL – Ảnh: Việt Hà
Nói về đầu ra, chị Thắm cho biết: “Sản phẩm khởi nghiệp thì rất ít người biết tới và thông thường người tiêu dùng họ cũng không đánh giá cao. “Ban đầu, tôi bán cho những người quen dùng thử, họ thấy hiệu quả rồi “maketing truyền miệng”, người này chỉ người kia mua sử dụng. Sau đó, dần dần tôi xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến, tìm những cộng tác viên, đại lí, tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp để quảng bá. Chính những phản hồi của khách hàng sau khi thấy hiệu quả mà sản phẩm mang lại và những giải thưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp đã giúp trà của tôi vươn xa hơn trên thị trường”.
Ngày 25/2 vừa qua, dự án “Sản xuất dược trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của chị Thắm đã đạt giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất được khoảng 2 – 3 tấn trà với doanh thu dao động từ 300 – 500 triệu/tháng. Riêng thị trường miền Bắc đã chiếm khoảng 65%.