Từ khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, chỉ với việc bán lá xông giải cảm nhưng nhóm bạn trẻ gặt hái được doanh thu mỗi tháng hơn 1 tỉ đồng.
Không ai ngờ rằng những loại lá cây nhiều khi bỏ đi thì đến nay, với việc tận dụng làm lá xông giải cảm, nhóm các bạn trẻ 9X của Nguyễn Tá Đông (32 tuổi, chủ doanh nghiệp khởi nghiệp The Moshav Farm) mỗi tháng có doanh thu hơn 1 tỉ đồng.
Sản phẩm lá xông giải cảm bán rất chạy tại phiên chợ Xanh tử tế mỗi dịp cuối tuần
HOA NỮ |
Có lúc sản xuất không kịp bán
Sáng cuối tuần tại phiên chợ Xanh tử tế trên đường Pasteur (Q.3, TP.HCM), có một gian hàng thu hút rất đông khách. Mọi người rất thích thú và chọn mua các gói lá xông giải cảm đến từ dự án khởi nghiệp The Moshav Farm của chàng trai Nguyễn Tá Đông.
Đinh Thị Thùy Loan, đại diện của một trong những đơn vị phân phối sản phẩm lá xông của The Moshav Farm, đang bán hàng tại phiên chợ Xanh tử tế, chia sẻ: “Từ mùa dịch đến nay mọi người mua lá xông rất nhiều, nhất là giai đoạn hiện nay, khi số ca F0 ngày càng tăng. Thậm chí có những khách hàng khi đi ra đường, trở về nhà cũng lo sợ nên rất thích xông, chính vì thế mà bán lá xông được quá chừng. Có giai đoạn còn bị ‘đứt hàng’ do nhu cầu người mua quá nhiều”.
Ngoài bán tại phiên chợ, Thùy Loan cho biết khách hàng chủ yếu đặt online rất nhiều cho sản phẩm lá xông giải cảm
HOA NỮ |
Chia sẻ với người viết, Đông cho biết các bạn đã sản xuất và bán lá xông kể từ đợt dịch năm 2020. Khi dịch càng diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân càng nhiều nên số lượng bán lá xông ra thị trường tăng hơn gấp đôi, thậm chí có giai đoạn còn cung không kịp cầu.
“Dự án khởi nghiệp của tụi mình bắt đầu từ cuối năm 2018 đến nay đều tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tụi mình xây dựng một farm (nông trại-NV) trồng cây trái, dược liệu tại xã Ninh Thượng, Khánh Hòa. Từ nguồn nguyên liệu này, tụi mình nghiên cứu sản xuất ra thị trường rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có dòng sản phẩm lá xông”, Đông kể.
Trong sản phẩm lá xông giải cảm của Đông có gần 10 loại lá như sả, bưởi, ổi, khuynh diệp, can khương, ngũ sắc hoa, hương mao và một số loại lá khác có thành phần thảo dược và có lượng tinh dầu cao.
Đông cho biết hiện nay doanh nghiệp của Đông có hơn 400 đại lý trên khắp cả nước và lượng khách hàng mua lá xông không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay cả ở các tỉnh và vùng quê đều đang rất ưa chuộng.
Các dòng sản phẩm khác như dầu gió bạc hà, bột gừng sấy lạnh cũng được rất nhiều khách hàng lựa chọn trong thời điểm dịch bệnh
HOA NỮ |
“Trước đây người dân ở vùng quê sẽ tận dụng lá xông tại vườn nhà, nhưng giờ xu hướng vẫn thích đồ tiện lợi nên dù người miền quê vẫn chọn mua sản phẩm lá xông”, Đông kể và cho biết hiện nay mỗi tháng Đông bán ra thị trường hơn 50.000 gói, mỗi gói với giá bán lẻ là 25.000 đồng, tức doanh thu hơn 1 tỉ đồng/tháng với việc bán lá xông giải cảm này.
Người dân không ngờ lá cây cũng kiếm được nhiều tiền
Nhóm của Đông là những bạn trẻ 9X, dù mỗi bạn ở một nơi nhưng có chung đam mê nên rủ nhau về vùng đất Ninh Thượng xa xôi của tỉnh Khánh Hòa để khởi nghiệp với nông nghiệp.
Đông kể: “Trước đó, tụi mình đi khảo sát rất nhiều nơi, khi đến nơi này thì thấy các điều kiện đều cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra như về giao thông, quỹ đất, khí hậu, nguồn nước… nên tụi mình đã chọn xã Ninh Thượng. Nơi đây điều kiện sống chưa phát triển, thu nhập của người dân còn rất thấp, thanh niên thì bỏ quê lên phố hết… nên tụi mình chọn với mong muốn sẽ phát triển khu vực này”.
Khách hàng thích thú với các sản phẩm của nhóm bạn trẻ
T.L |
Đông cho biết lúc đầu nhóm 4 đứa chỉ có một thành viên chuyên về công nghệ thực phẩm, sau này các bạn đã bổ sung nhiều thành viên với nhiều thế mạnh ở các lĩnh vực khác nhau như dược, sinh học để tập trung nghiên cứu. Nên hiện nay các bạn có nhiều dòng sản phẩm khác bên cạnh lá xông. Chẳng hạn như nước rửa chén, rửa tay từ trái bồ hòn, bột gừng sấy lạnh, mặt nạ từ bùn khoáng, dầu gió bạc hà…
Việc lập trang trại làm nông nghiệp và nghiên cứu chế tạo sản phẩm từ chính nguồn nguyên liệu tại chỗ đã tạo được công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
“Hiện nay, hàng tháng tụi mình thuê cố định hơn 10 lao động địa phương, lao động thời vụ thì khoảng 30 người. Ngoài việc thuê nhân công, tụi mình còn thu mua các loại nguyên liệu, cây trái của người dân với giá cao hơn thị trường. Mình sẽ hướng dẫn bà con cách trồng an toàn để đảm bảo nguyên liệu theo yêu cầu của bên mình”, Đông chia sẻ.
Sản phẩm lá xông bán chạy nên tạo thêm được nguồn thu nhập cho người dân địa phương
T.L |
Điều đặc biệt, Đông kể: “Tụi mình thu mua rất nhiều loại lá cây của người dân. Trước đây những lá cây này họ không nghĩ là kiếm được nhiều tiền như vậy. Thậm chí lá giang ở đây mọc thành rừng, nhưng giờ người dân hái về tụi mình sẽ thu mua để nghiên cứu làm thành các sản phẩm khác nhau. Hay lá ổi, bình thường nguồn lá này chỉ có bỏ nhưng bây giờ bên mình sẽ thu mua hết. Đây cũng là một trong những thành phần của sản phẩm lá xông giải cảm”.
Đông cũng thu mua lá giang với giá 8.000 đồng/kg. Một ngày một người dân có thể hái được 70kg, tương đương có thể kiếm được hơn 500.000 đồng/ngày từ những loại lá mọc tự nhiên này.
“Mọi người rất vui mừng khi có thể kiếm tiền được từ các lá cây ở trong vườn hay ở trong tự nhiên mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới. Họ hạnh phúc khi ở nhà vẫn tạo ra thu nhập, thay vì trước đây họ cứ nghĩ phải vào thành phố, vào các nhà máy… thì mới có công việc để kiếm được tiền”, Đông chia sẻ.
Với Đông, niềm hạnh phúc không chỉ mỗi tháng dù dịch nhưng doanh nghiệp có thể kiếm được doanh thu hơn 1 tỉ đồng từ việc bán lá xông mà còn giúp được cho nhiều người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Nguồn : thanhnien.vn